26/04/2023
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 135 kilomet, Legacy Yên Tử tọa lạc dưới chân núi thiêng Yên Tử và là một điểm nhấn quan trọng trong quần thể khu du lịch danh thắng Yên Tử và dự án Trung Tâm Văn Hóa Trúc Lâm Yên Tử (do Công Ty Cổ Phần Tùng Lâm đầu tư).
Nói về Legacy Yên Tử, ấn tượng đầu tiên phải kể đến đó là một khu nghỉ dưỡng 5 sao với phong cách thiết kế độc đáo lấy cảm hứng và kế thừa di sản văn hóa nhà Trần từ thế kỷ thứ 13. Không gian kiến trúc cảnh quan được thổi hồn bằng tinh hoa của tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời bởi sự kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và hành trình tâm linh.
SƠ ĐỒ CẤU TRÚC
Kiến Trúc Sư nổi tiếng với những dự án thiết kế nghỉ dưỡng ấn tượng trên toàn thế giới - Bill Bensley là tác giả của dự án Legacy Yên Tử - Mgallery. Ông cùng với các cộng sự của mình đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng đến từng chi tiết trong việc mang đến một không gian nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp 5 sao; nhưng lại khác với những khu nghỉ dưỡng khác ở chỗ Legacy Yên Tử có triết lý tôn trọng tinh thần bản địa, mang đến cảm giác du khách được đắm chìm trong không gian đầy cổ kính của cung đình xưa và được hít thở bầu không khí trong lành, tĩnh lặng mang phong vị Thiền.
Toàn bộ quần thể Legacy Yên Tử - Mgallery được thiết kế và hoàn thiện một cách tỉ mỉ bằng phương pháp xây dựng truyền thống bởi chính các nghệ nhân người Việt. Tất cả không gian ở đây từ khuôn viên, hành lang cho đến nội thất khu nghỉ, khu dịch vụ…đều được xây dựng với lối kiến trúc nhà cổ của Việt Nam từ hàng trăm năm, kết hợp với những vật liệu đa dạng tinh tế như: tường trấu, vỏ bao bố làm bằng sợi đay, gỗ, đá, đồng, gốm v.v…càng tăng thêm vẻ cổ kính và nhiều suy tư.
Với quy mô 17ha, không gian kiến trúc và cảnh quan của Trung Tâm Văn Hóa Trúc Lâm Yên Tử được sắp xếp và bố cục theo thủ tháp đối xứng không hoàn toàn, kết nối những không gian chức năng chính được vẽ nên từ những hình vuông kỷ hà với kích thước và tỷ lệ khác nhau, thông qua một trục chính mang ý nghĩa tâm linh và được gọi tên là “trục Tâm Đạo”. Hàm ý sâu xa của hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo thông qua “trục Tâm Đạo” có lẽ được bắt nguồn cảm hứng từ con đường giác ngộ của Phật Tử Trúc Lâm, với triết lý hành trình đi lên là Đạo (trải nghiệm về tâm linh hướng đến chùa Đồng trên đỉnh núi) – hành trình đi xuống là Đời (điểm kết thúc là không gian làng quê đời Trần được tái hiện sống động tại làng Hành Hương ở chân núi, bên cạnh quần thể không gian nghỉ dưỡng). Tại đây, 11 không gian chính được tổ hợp và sắp xếp nằm trên “trục Tâm Đạo” bắt đầu từ Cổng vào “Tam Quan Khai Tâm” cho đến điểm kết thúc là “Cung Trúc Lâm”; tiếp tục đi qua điểm kết thúc của khu vực này sẽ là tuyến đường dẫn lên đỉnh núi Yên Tử và hướng đến các địa danh lịch sử linh thiêng như vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, chùa Đồng trên đỉnh núi. Các công trình kiến trúc và không gian cảnh quan dọc theo “trục Tâm Đạo” mang đặc điểm thú vị đó là đều được đặt tên kèm theo chữ “Tâm” như: Tam Quan Khai Tâm: Là một điểm nhấn mang chức năng chào đón, Kiến Trúc Cổng được lấy cảm hứng và cách điệu từ Tháp Huệ Quang và kiến trúc truyền thống chùa Việt như cổng vòm, mái ngắn lợp bằng ngói cánh sen, cổng tam quan truyền thống của người Việt, cấu trúc sử dụng các hàng cột lim khổ lớn v.v…
Gương Kính Tâm: Đây là một công trình hồ nước cảnh quan nằm giữa trung tâm của quần thể ngay bên trong và phía sau Tam Quan Khai Tâm. Hồ nước được thiết kế với rặng tre nằm soi bóng trên mặt nước, cộng với cách sử dụng vật liệu phù hợp tạo ra cảm giác hồ nước như một mặt gương phẳng. Hình ảnh “gương soi bóng trúc” là minh chứng sinh động cho triết lý sâu xa của phái Thiền Tông đó là “soi sáng lại chính mình”. “Phật tại Tâm” - Tâm chúng ta vốn dĩ đã có Phật rồi hay còn gọi là Phật tánh. Vì vậy mỗi người trong chúng ta chỉ cần tinh tấn tu hành rồi sẽ có ngày đạt được Phật quả, thay vì đi tìm cầu xin Phật bên ngoài thì hãy nên quay trở lại cái tâm của mình.
Hồ Tĩnh Tâm: Mặt nước rộng lớn với tuyến đi bộ bắc ngang qua là con đường nằm trên “trục Tâm Đạo”, tuyến đường này được nối từ Tam Quan Khai Tâm, băng qua Hồ Tĩnh Tâm rồi từ từ được nâng lên theo từng bậc thang để hướng về Lễ đài Minh Tâm. Cốt cao độ tại mặt sân cỏ ở Quảng trường Minh Tâm cao hơn so với cốt tại nền đất cũ là 10 mét. Hồ Tĩnh Tâm là nơi có cảnh quan yên bình thanh tịnh với mặt hồ phẳng lặng, khung cảnh nhẹ nhàng phù hợp với những không gian lãng mạn và sâu lắng và là nơi tổ chức các đêm hội hoa đăng Yên Tử.
Quảng trường Minh Tâm: Đây là một không gian văn hóa hết sức thú vị và là điểm nhấn trong quần thể không gian của khu resort. Quảng trường được thiết kế với hình vuông rộng kỷ hà và trồng toàn bộ cỏ trên bề mặt. Tuyến đường đi dạo được bố trí vòng quanh quảng trường cùng với điểm nhấn là những chiếc cổng vòm giúp góc nhìn ra quảng trường được cô đọng hơn. Các vị trí của phòng nghỉ được thiết kế và bố trí nằm tại 2 bên của quảng trường, du khách sẽ có được trải nghiệm một góc nhìn mở rộng, thoáng đãng và yên bình. Nơi đây còn là không gian cộng đồng để dành cho việc tổ chức những sự kiện lớn với sức chứa hơn 10.000 người và là không gian chuyển tiếp vào khu vực sân cảnh quan phía trong.